Hướng nghiệp như thế nào, bắt đầu ở độ tuổi nào thì thực sự hiệu quả cho học sinh? Yếu tố nào là cốt lõi cho sự thành công trong sự nghiệp mai sau của các em? Từ doanh nghiệp họ đang mong đợi điều gì từ lực lượng lao động trẻ? Có lẽ đây là những câu hỏi đang làm trăn trở rất nhiều nhà trường và gia đình.
Thấu hiểu tâm lý đó, cùng với trăn trở và trách nhiệm của những người lãnh đạo trong ngành giáo dục, Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới – EduLightenUp phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo trực tuyến ngày 27/10/2021 với chủ đề “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” nhằm đưa các thông tin về hướng nghiệp cho học sinh thông qua tam giác trường Phổ thông – trường Đại học – Doanh nghiệp. Trong đó Trường Đại học Phenikaa sẽ là trường đại học tiên phong trong dự án, đồng hành hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Diễn giả là các nhà quản lý đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp. PGS. TS Phạm Mạnh Hà – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Tổng Giám đốc Vinfast; Bà Phan Thị Hồng Dung – Chủ tịch Mạng lưới EduLightenUp.
Ngoài ra, gần 200 nhà quản lý giáo dục (Hiệu trưởng, lãnh đạo các trường phổ thông trung học và đại học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố, các chuyên gia và nhà chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp) đã tham dự Hội thảo.
Các khách mời đã lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả về bản chất của hướng nghiệp. Hướng nghiệp bắt đầu từ khi nào là phù hợp? Thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hiện nay hay như phần trình bày của diễn giả Phan Thị Hồng Dung về chương trình định hướng dành cho học sinh, giúp các em có các kỹ năng chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
Các diễn giả đã nhận được sự quan tâm và nhiều câu hỏi từ khách mời về vấn đề hướng nghiệp. Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Mạng lưới EduLightenUp và Trường Đại học Phenikaa đã ký biên bản hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển các hoạt động giữa hai bên. Theo đó, Mạng lưới EduLightenUp và Trường Đại học Phenikaa là đơn vị đồng triển khai Dự án tăng cường hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.
Dự kiến dự án sẽ có các nhóm hoạt động chính dành cho học sinh THPT bao gồm: các đề tài nghiên cứu được hướng dẫn dài hạn; tham quan, trải nghiệm tại các trường đại học; các chương trình khởi nghiệp, thực tập nghề nghiệp…
Các nhóm nghiên cứu và thực hành sẽ được thầy cô trường THPT cùng các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Phenikaa. Bên cạnh đó, các buổi hội thảo, seminar trao đổi kết quả, kinh nghiệm trong một nhóm hoặc giữa các nhóm với nhau; địa điểm luân phiên tại Phenikaa hoặc các trường THPT.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, Dự án còn tổ chức các chuyến tham quan tới các doanh nghiệp/trung tâm đổi mới sáng tạo/trung tâm nghiên cứu… hoạt động trong lĩnh vực liên quan; tổ chức các lecture/talk/workshop…tại các trường để nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh.
Cũng trong nhóm hoạt động này, các cuộc thi về tìm kiếm các ý tưởng sáng tạọ ứng dụng công nghệ phục vụ quá trình dậy và học khi chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang học tập trên nền tảng kỹ thuật số hoặc giúp tối ưu việc vận hành/ quản lý giảng dạy/ học tập tại trường THPT sẽ được tổ chức với sự đồng hành của Trường Đại học Phenikaa.
Để tạo đà cho học sinh bứt phá, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Trường Đại học Phenikaa còn tạo điều kiện để các em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và phát triển kỹ năng cá nhân nâng cao tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo…. Cụ thể, chương trình giao lưu “Cùng Phenikaa khởi nghiệp” sẽ được tổ chức dự kiến 1-2 lần/năm. Chương trình bao gồm đào tạo, tổ chức seminar, trải nghiệm, games… về các nghề nghiệp, yêu cầu của doanh nghiệp, xây dựng “bản đồ sự nghiệp” cho mỗi học sinh. Trong buổi đó, các Doanh nhân có thể phát hiện những nhân tố tiềm năng và trở thành coach cho học sinh, giúp các em hiện thực hóa “bản đồ sự nghiệp” của mình.
Hay như chương trình “Thực tập nghề nghiệp” dành cho học sinh THPT. Các trường đại học/ doanh nghiệp trong mạng lưới sẽ tổ chức 01 khóa thực tập cho học sinh (dựa trên đăng kí ngành nghề). Học sinh được đến làm việc thực tế tại doanh nghiệp để hiểu kĩ hơn về ngành nghề mình định lựa chọn. Kết thúc khóa thực tập, các em viết bản thu hoạch.
Các em học sinh còn được tham gia khóa đào tạo định hướng nghề nghiệp và bí kíp về khởi nghiệp thành công (có cả video, quiz, bài tập thực hành) thông qua việc thiết kế web/app/video trên các nền tảng như TikTok, YouTube…
Như vậy, nhằm giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển năng lực bản thân, cũng như tiếp cận những kiến thức khoa học mới và định hướng sớm nghề nghiệp tương lai, Mạng lưới EduLightenUp và Trường Đại học Phenikaa luôn sẵn sàng đồng hành cùng các em trên hành trình tri thức. Và dự kiến sau giai đoạn 1 chạy thí điểm, Dự án sẽ tiếp tục được mở rộng tới nhiều trường đại học và phổ thông trên toàn quốc.