Theo nhiều chuyên gia, hội nhập quốc tế là con đường tất yếu của giáo dục đại học thời toàn cầu hóa. Bởi lẽ, trong một thế giới ngày càng “phẳng” của nhiều lĩnh vực thì giáo dục càng không ngoại lệ. Đặc biệt với giáo dục đại học, vấn đề hội nhập càng trở nên quan trọng và cần bắt nhịp nhanh chóng.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, nhìn chung, xu hướng đa dạng và hòa nhập trong giáo dục đại học hiện nay thường là hợp tác đào tạo bằng các hình thức: Mô hình đào tạo nhận văn bằng (Degree); Mô hình Top-up, Level 3, 2+2, 4+0; Mô hình đào tạo nhận chứng chỉ (Certificate): Chứng chỉ tiếng Anh, Short Course; Mở trung tâm đại diện tại nước ngoài, Mô hình Campus…
Bên cạnh đó, lĩnh vực này có sự đa dạng chương trình ứng dụng trong đào tạo ví dụ như chương trình Coop – đặc thù của giáo dục Bắc Mỹ hoặc đẩy mạnh việc hợp tác doanh nghiệp và nhà trường, từ đó tăng cơ hội cho sinh viên thực tập, trải nghiệm, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hội nhập quốc tế là hoạt động phổ biến nhất của xu hướng đa dạng và hòa nhập trong giáo dục.
Cũng theo TS. Phú Khánh, các hoạt động hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học có thể kể đến như: Phối hợp kiểm định quốc tế; Tham gia các bảng xếp hạng quốc tế, tham gia các mạng lưới quốc tế; Hợp tác quốc tế nâng cao năng lực cho cả sinh viên và giảng viên về kỹ năng tiếng Anh, sư phạm, năng lực chuyên môn…; Trao đổi sinh viên, giảng viên; Mời giảng viên thỉnh giảng hay xây dựng phòng học chuẩn quốc tế; Quốc tế hóa cơ sở vật chất…
Đơn cử như chương trình cử nhân quốc tế UWE Bristol – Phenikaa Campus. Đây là dự án hợp tác đào tạo giữa University of the West of England (thành phố Bristol, Vương quốc Anh – UWE Bristol) và trường Đại học Phenikaa, Việt Nam.
UWE Bristol – Phenikaa Campus là chương trình điển hình cho việc đa dạng mô hình hợp tác đào tạo như: Lấy văn bằng 4+0, mở trung tâm đại diện (campus) của Đại học UWE Bristol tại trường Đại học Phenikaa, đào tạo chương trình nguyên bản của Đại học UWE Bristol, ứng dụng chương trình Coop – đặc thù của giáo dục Bắc Mỹ… Tham gia chương trình này, sinh viên sẽ được học hai ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn và được cấp bằng tốt nghiệp của Đại học UWE Bristol có giá trị toàn cầu.
“Đa dạng hóa và hội nhập quốc tế trong giáo dục là quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài; Có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người.
Trong thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế được triển khai trên 3 lĩnh vực chính gồm: Hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho hay.
Hiện nay, Việt Nam đã có những bước đi chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế về giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả hai phương diện là đẩy mạnh hợp tác quốc tế truyền thống về giáo dục theo cơ chế phi thương mại và triển khai thực hiện thương mại dịch vụ giáo dục theo các cam kết đã ký trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).
Tính đến tháng 5 năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ; Ký kết trong giai đoạn 2016 – 2020 gần 100 thỏa thuận và điều ước quốc tế cấp Chính phủ và cấp Bộ, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và vị thế Việt Nam trên thế giới.
Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong triển khai hoạt động phối hợp với các nước ASEAN để tiến tới thực hiện lộ trình xây dựng không gian giáo dục đại học khu vực.
Về thương mại dịch vụ giáo dục, theo quy định của GATS, Việt Nam đã mở cửa thị trường giáo dục, chủ yếu giáo dục đại học, theo cả bốn phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục.
Đặc biệt trong việc cung ứng xuyên biên giới (đào tạo theo chương trình nước ngoài), Việt Nam đã phát triển mạnh đào tạo theo chương trình liên kết (hơn 400 chương trình); Mở rộng đào tạo theo chương trình nhượng quyền (35 chương trình tiên tiến).
Theo Tuổi trẻ thủ đô