Việt Nam thiếu hụt giảng viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực AI

Trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI) là một lĩnh vực công nghệ “hot” nhất hiện nay khi nhận được sự quan tâm của toàn thế giới, đặc biệt từ “cú huých” mang tên ChatGPT. Và tìm kiếm nhân lực trí tuệ nhân tạo chất lượng cao đang là cuộc đua của các tập đoàn công nghệ lớn.

Được biết, trường Đại học Phenikaa là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo chương trình đại học và sau đại học liên quan đến Chương trình Khoa học máy tính – Trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế trường Đại học Phenikaa, Giám đốc Chương trình Cử nhân Quốc tế UWE Bristol – Phenikaa Campus cho biết, năm 2023, UWE Bristol – Phenikaa Campus – chương trình Cử nhân quốc tế sẽ tuyển sinh năm 2023 với 30 chỉ tiêu cho ngành Khoa học máy tính – Trí tuệ nhân tạo.

Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế trường Đại học Phenikaa, Giám đốc Chương trình Cử nhân Quốc tế UWE Bristol – Phenikaa Campus

Hiện các sinh viên năm nhất (tuyển sinh năm 2022) đang trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Phenikaa trong khuôn khổ chương trình Global COOP.

“Theo khảo sát, hầu hết các em đều rất hứng thú với ngành học của mình khi hiểu được rất nhiều các thiết bị, ứng dụng xung quanh mình đều là sản phẩm từ AI”, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế trường Đại học Phenikaa thông tin.

Đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo chưa phổ biến tại chương trình đại học Việt Nam

Đánh giá tổng quan về bức tranh đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo hiện nay tại nước ta, Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm cho rằng, đào tạo ngành này vẫn chưa phổ biến tại chương trình đại học Việt Nam như các ngành nghề liên quan đến Kinh doanh, Truyền thông,…

Trong khi đó, AI ngày càng thể hiện sự cần thiết và có tác động mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của con người, phản ánh tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.

“Trí tuệ nhân tạo là một ngành đào tạo mới, non trẻ nhưng phát triển nhanh chóng”, thầy Đảm khẳng định.

Trí tuệ nhân tạo đang trở thành một lĩnh vực rất hấp dẫn và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau. Cơ hội việc làm rộng mở trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, tự động hóa, tài chính và nhiều ngành khác. Xu hướng chọn nghề cho ngành Trí tuệ nhân tạo đang tăng lên, và điều này tạo ra nhiều cơ hội rất rộng mở cho sinh viên muốn theo đuổi lĩnh vực này.

Nhân lực ngành Khoa học máy tính với chuyên ngành trí tuệ nhân tạo đang được rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm

Thực tế, nhân lực ngành Khoa học máy tính với chuyên ngành trí tuệ nhân tạo đang được rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm với mức lương rất hấp dẫn từ 95-230 triệu đồng/tháng. [*]

Trong khi đó, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện có chưa đến 2.000 người Việt Nam đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến AI và chưa đến 300 người được coi là chuyên gia về AI.

“Điều này thể hiện nhu cầu về việc làm trong ngành này ngày càng tăng cao nhưng số lượng nhân sự được đào tạo vẫn còn hạn chế”, thầy Đảm nói.

Việc đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều cơ hội hấp dẫn nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với cơ sở đào tạo. Nhận định về một trong những thách thức đối với các cơ sở đào tạo hiện nay, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế trường Đại học Phenikaa chỉ ra là sự thiếu hụt giảng viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, thầy Đảm phân tích, lĩnh vực này đang phát triển nhanh chóng, nên việc tìm kiếm và thu hút những chuyên gia giảng dạy chất lượng (giỏi cả về nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng) trở thành một thách thức lớn đối với cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo đòi hỏi cơ sở vật chất tốt để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và thực hành. Các phòng thí nghiệm, máy tính mạnh, hệ thống phần mềm và phần cứng tiên tiến là những yếu tố quan trọng để đảm bảo môi trường học tập chất lượng cao.

Sinh viên ngành Khoa học máy tính – Trí tuệ nhân tạo

Cơ sở đào tạo cần đầu tư để cung cấp các cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu của ngành này nhằm đảm bảo triết lý học đi đôi với hành, đặc biệt là triết lý giáo dục trải nghiệm.

Về chương trình đào tạo, các yếu tố về tính chuyên sâu, hiện đại và cập nhật linh hoạt được chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh.

Theo đó, một chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo cần cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu và hiện đại để sinh viên có thể làm việc trong lĩnh vực này. Chương trình cần được cập nhật liên tục và linh hoạt nhằm giúp sinh viên nắm bắt kịp thời những xu hướng mới và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt, các yêu cầu về hợp tác quốc tế, phối hợp trong đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng cần phải được chú trọng. Chuyên gia nhấn mạnh, cần có sự đầu tư đúng mức và sự linh hoạt trong việc cập nhật chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế. Có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm có thêm những chia sẻ, cơ hội thực tập và ứng dụng cho sinh viên.

Sự phát triển của các chương trình đào tạo AI tại trường Đại học Phenikaa

Chia sẻ về thực tế chương trình đào tạo tại trường Đại học Phenikaa, thầy Đảm cho biết đơn vị đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và chương trình đào tạo, cam kết tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến cho sinh viên. Bên cạnh đó trường cũng không ngừng nỗ lực liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước để đào tạo và phát triển nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Điều này giúp cho sinh viên tại trường được tiếp cận với những nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực AI.

Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính – Trí tuệ nhân tạo thuộc hệ Quốc tế đại học Phenikaa được thiết kế với các kiến thức hiện đại về toán học và khoa học máy tính để phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết hợp hài hòa thông qua đào tạo lý thuyết và trải nghiệm thực hành.

Sinh viên UWE Bristol – Phenikaa Campus sẽ được trang bị một loạt kỹ năng và kiến thức cần thiết để trở thành chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trong tương lai, bao gồm các tư duy hệ thống, kỹ năng phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, làm việc nhóm, tư duy liên ngành, thông qua việc trải nghiệm các dự án gắn liền với các ứng dụng thực tế. Các môn học được thiết kế theo hướng trải nghiệm qua các bài tập đồ án môn học sát với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo thực tế.

Bên cạnh các kiến thức nền tảng, sinh viên được định hướng phát triển sâu về các lĩnh vực như: thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nghiên cứu phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo…, thông qua các gói môn học tự chọn.

“Với các kỹ năng và kiến thức mà sinh viên UWE Bristol – Phenikaa Campus được trang bị, các bạn có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng và trở thành chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trong tương lai”, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế trường Đại học Phenikaa khẳng định.

Dành lời khuyên cho những thí sinh đang có nguyện vọng theo học ngành trí tuệ nhân tạo, Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm nhắn gửi:

“Ngành trí tuệ nhân tạo sẽ phù hợp với những bạn có niềm đam mê với ngành khoa học máy tính, có tư duy logic và toán học tốt. Các bạn thích tìm hiểu về khả năng của bộ não con người, theo đuổi sự kì diệu của trí thông minh, có đam mê về khoa học dữ liệu… Đặc biệt, yêu cầu cần có vốn tiếng Anh tốt bởi tài liệu liên quan đến môn học chủ yếu là tiếng Anh.

Ngoài ra, sinh viên phải trau dồi thêm các kỹ năng mềm cần thiết như tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, khả năng thiết kế tư duy, và kỹ năng lãnh đạo để sẵn sàng làm việc nhóm với các thành viên ở các quốc gia, nền văn hoá khác nhau”.

Tài liệu tham khảo:

[*]: https://thanhnien.vn/nganh-ai-tra-luong-cao-tu-95-230-trieu-dong-nhung-rat-hiem-nhan-luc-1851507812.htm

Theo Giáo dục Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Địa chỉ: Trường Đại học Phenikaa, Đường Nguyễn Trác,

Yên Nghĩa, Hà Đông

Hotline: 0981.324.886

Email: uwebristol@phenikaa-uni.edu.vn

Theo dõi UWE trên các nền tảng

Hotline: 028 710 23450 Tư vấn Online Liên hệ