Hiện nay, có 02 mô hình hợp tác đào tạo quốc tế Đại học phổ biến tại Việt Nam: Học liên thông Cao đẳng lên và học chương trình Đại học nguyên bản. Hãy cùng UWE Bristol – Phenikaa Campus tìm hiểu về hai loại hình đào tạo quốc tế trong bài viết này.
1. Hợp tác quốc tế trong giáo dục tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên lựa chọn học tập tại nước ngoài đang gia tăng. Cụ thể, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, số lượng sinh viên du học Mỹ từ năm 2019 – 2020 là khoảng 190,000 sinh viên. Con số này tại Vương Quốc Anh là 12,000 sinh viên, chiếm tới 13% tổng số sinh viên quốc tế (theo một nghiên cứu năm 2020).
Tuy nhiên, chi phí du học cao khiến nhiều học sinh và gia đình không thể lựa chọn hình thức này. Thay vào đó, họ lựa chọn việc học các chương trình quốc tế trong nước để lấy bằng Cử nhân nước ngoài. Những bằng Đại học này được công nhận toàn cầu và giúp sinh viên làm việc trong những môi trường đa văn hoá dễ dàng hơn.
Với xu hướng này, nhiều trường Đại học đã hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Đào tạo hợp tác quốc tế là việc phối hợp hoạt động giáo dục giữa hai hoặc nhiều nước và vùng lãnh thổ. Việc hợp tác giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và làm phong phú trải nghiệm của sinh viên.
1.1. Lợi thế của việc hợp tác đào tạo
- Sinh viên vẫn có thể trải nghiệm giáo trình tiên tiến của trường Đại học quốc tế với chi phí rẻ hơn. Thông thường, sinh viên có thể tiết kiệm từ 60 đến 80% chi phí học tập để lấy bằng cấp tương đương tại Vương Quốc Anh (VQA). Lý do bởi các bạn có thể tiết kiệm chi phí ăn ở khi học tập tại Việt Nam.
- Sinh viên không bị bỡ ngỡ, “shock” văn hoá khi phải sinh sống và học tập một mình ở nước ngoài.
- Các kiến thức chuyên ngành được giải thích rõ hơn nhờ sự hỗ trợ của giáo viên Việt Nam.
Với thế mạnh là một trong những nền giáo dục uy tín bậc nhất thế giới, VQA đang có số lượng chương trình hợp tác nhiều hàng đầu tại Việt Nam. Các chương trình đào tạo Đại học hợp tác với VQA giúp sinh viên Việt Nam không chỉ tiếp xúc với kiến thức được cập nhật mới, mà còn tăng tính hội nhập quốc tế và trở thành công dân toàn cầu.
Các cấp độ hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và VQA cũng vô cùng đa dạng:
- Bậc Cao đẳng
- Bậc Đại học
- Bậc sau Đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ).
Trong phần viết dưới đây, chúng ta sẽ phân tích sâu về mô hình hợp tác đào tạo quốc tế bậc Đại học, cụ thể theo hệ Đại học của VQA.
1.2. Mô hình hợp tác đào tạo quốc tế Đại học phổ biến tại Việt Nam
Hiện nay, việc hợp tác quốc tế giữa các cơ sở giáo dục VQA và các trường Đại học Việt Nam phổ biến với hai mô hình:
- Mô hình học liên thông Cao đẳng lên Đại học.
- Mô hình học nguyên bản chương trình của Đại học VQA tại Việt Nam.
2. Mô hình hợp tác đào tạo quốc tế liên thông Cao đẳng lên Đại học
Đây là mô hình hợp tác đào tạo quốc tế phổ biến nhất hiện nay. Mô hình này được áp dụng bởi nhiều trường Đại học danh tiếng, bao gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại Thương, Học viện Ngân hàng, Cao đẳng BTEC FPT…
2.1. Chương trình học Cao đẳng quốc tế
Sinh viên theo học Cao đẳng quốc tế sẽ được đào tạo chương trình chất lượng cao. Bằng cấp của chương trình Cao đẳng quốc tế được công nhận bởi một số trường Đại học và Cao đẳng trên thế giới.
Đối với nền giáo dục VQA bằng Cao đẳng phổ biến nhất là BTEC. Đây là chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp được chứng nhận bởi tổ chức giáo dục Pearson. Bằng Cao đẳng BTEC tạo cơ hội học chuyển tiếp Đại học rộng mở đối với sinh viên Việt Nam. Bạn có thể tham khảo danh sách các trường quốc tế chấp nhận liên thông bằng BTEC tại đây.
Sau khi nhận bằng BTEC, sinh viên có thể tiếp tục học liên thông 01 năm để lấy bằng Đại học VQA.
2.2. Lộ trình học liên thông Cao đẳng lên Đại học
Với mô hình hợp tác đào tạo quốc tế này, sinh viên có mong muốn lấy bằng Cử nhân VQA sẽ học theo chương trình “2+1”. Trong đó:
- 02 năm học chuyên ngành theo chương trình Cao đẳng để lấy bằng BTEC
- 01 năm học liên thông chương trình Đại học để lấy bằng Cử nhân VQA
Đối với sinh viên chưa đủ điều kiện tiếng Anh để học chuyên ngành, các bạn thường học thêm 01 năm để trau dồi ngôn ngữ. Với những sinh viên này, lộ trình học liên thông là “3+1”.
Như vậy, sinh viên sẽ tốt nghiệp với bằng Cử nhân Đại học VQA. Ngoài ra, bảng điểm của sinh viên sẽ bao gồm bảng điểm của 02 năm học BTEC và 01 năm học Đại học.
Điều này không có nghĩa là sinh viên có 02 bằng cấp. Ngược lại, để chứng minh bằng Cử nhân Đại học có giá trị, sinh viên cần cung cấp 02 bảng điểm, trong đó chỉ có 01 năm duy nhất của Đại học!
2.3. Phương pháp giáo dục Cao đẳng quốc tế
Đối với bằng Cao đẳng quốc tế, phương pháp giáo dục sẽ tiếp cận theo hướng đào tạo nghề (Vocational training). Đây là phương pháp đào tạo phù hợp với những người đã đi làm, với mục tiêu học thêm bằng cấp để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp (tương đương học tại chức).
Điều này được thể hiện rõ trong các môn học và bài tập của chương trình. Cụ thể, các bài tập sẽ được phân chia theo từng “nhiệm vụ” (task-oriented). Sinh viên khi làm bài sẽ đối chiếu kiến thức và hoàn thành từng “nhiệm vụ” trong bài tập.
Phương pháp đào tạo này giúp trau dồi chuyên sâu nghiệp vụ để giải quyết vấn đề trong công việc. Tuy nhiên, các nghiệp vụ sẽ rời rạc và thiếu liên kết với nhau.
2.4. Lợi ích của mô hình đào tạo liên thông Cao đẳng lên Đại học
Với sự linh hoạt trong lộ trình học tập, mô hình hợp tác đào tạo quốc tế liên thông Cao đẳng lên Đại học giúp sinh viên có nhiều lựa chọn cho bằng cấp Đại học của mình. Cụ thể, sinh viên có thể học chuyển tiếp tại một số trường Đại học, Cao đẳng trên thế giới.
Ngoài ra, do được đào tạo theo chương trình Cao đẳng, chi phí học tập của sinh viên cũng thấp hơn so với học chương trình Đại học nguyên bản.
2.5. Hạn chế của mô hình đào tạo liên thông Cao đẳng lên Đại học
Điểm hạn chế khi sinh viên học theo mô hình hợp tác đào tạo quốc tế này nằm ở phương pháp học tập, bảng điểm và cơ hội quy đổi môn học.
Về phương pháp học tập, học sinh tốt nghiệp Trung học tại Việt Nam thường chưa có kinh nghiệm làm việc. Do vậy, việc tiếp cận bậc Đại học theo phương pháp đào tạo nghề (vocational training) sẽ khiến người học khó tiếp thu kiến thức hơn.
Bên cạnh đó, việc học hai chương trình khác nhau là Cao đẳng và Đại học có thể xảy ra tình trạng học trùng môn học. Điều này dẫn đến việc sinh viên bị hạn chế cơ hội tiếp xúc kiến thức mới. Ngoài ra, phương pháp học tập của hai chương trình đào tạo cũng khác nhau. Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn ở phần sau của bài viết.
Về bảng điểm, sinh viên sẽ chỉ có bảng điểm của năm cuối Đại học. Do vậy, sinh viên cần giải thích với nhà tuyển dụng việc mình học liên thông Cao đẳng lên Đại học.
Cuối cùng, các trường Đại học có thứ hạng cao có thể sẽ không chấp nhận hoặc chấp nhận miễn một số tín chỉ khi sinh viên chuyển tiếp. Ví dụ, 02 năm học BTEC được quy đổi tương đương với năm nhất Đại học. Như vậy, sinh viên cần học thêm 02 năm để có thể lây bằng Cử nhân VQA. Mỗi trường Đại học sẽ có điều kiện để chấp nhận bằng Cao đẳng BTEC khác nhau.
3. Mô hình học Đại học nguyên bản
Mô hình đào tạo Đại học nguyên bản là mô hình đào tạo tối ưu hơn. Một số trường Đại học áp dụng mô hình này bao gồm: Swinburne Việt Nam (Úc), RMIT (Úc), hay UWE Bristol – Phenikaa Campus (VQA).
3.1. Chương trình học Đại học nguyên bản
Chương trình và giáo trình của mô hình đào tạo này sẽ được “nhập khẩu” 100% từ trường Đại học đối tác. Đặc biệt với môi trường giáo dục hiện đại như VQA, chương trình giảng dạy sẽ được cập nhiệt liên tục hàng năm. Hơn thế nữa, các môn học cũng được thay đổi, chuyên biệt hoá nhằm nâng cao kiến thức của người học theo từng giai đoạn phát triển của thế giới.
Đối với nền giáo dục VQA, đào tạo bậc Đại học sẽ kéo dài 03 năm. Sau khi sinh viên hoàn thành chương trình, các bạn sẽ tốt nghiệp với bằng Cử nhân Đại học VQA.
3.2. Phương pháp giáo dục mô hình hợp tác đào tạo Đại học quốc tế nguyên bản
Phương pháp giảng dạy của mô hình đào tạo Đại học nguyên bản sẽ theo hướng đào tạo kỹ năng học tập. Sinh viên được trau dồi phương pháp học tập đúng đắn và tiên tiến. Từ đó, các bạn sẽ có khả năng tự tìm kiếm thông tin và sáng tạo đưa ra giải pháp tổng thể, triệt để và lâu dài.
Đối với mô hình đào tạo liên thông tiếp cận kiến thức bằng hai phương pháp đào tạo khác nhau. Do vậy, sinh viên cần bỏ nhiều thời gian hơn để làm quen với sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy. Trong 01 năm cuối Đại học, sinh viên chỉ kịp làm quen và chưa được luyện tập kỹ năng học của Đại học.
Mô hình đào tạo Đại học nguyên bản giúp sinh viên luyện tập và áp dụng kỹ năng học xuyên suốt 03 năm. Điều này giúp sinh viên tạo thói quen tự học và làm việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, đây cũng là kỹ năng cần thiết mà nhiều nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
3.3. Lợi ích của mô hình học Đại học nguyên bản
Có 03 lợi ích mà mô hình hợp tác đào tạo quốc tế này đem lại:
- Thứ nhất, chương trình đào tạo Đại học nguyên bản sẽ được thiết kế dành cho học sinh Trung học. Do vậy, phương pháp học tập sẽ thích hợp với người học chưa từng đi làm. Điều này khiến việc tiếp thu kiến thức của sinh viên dễ dàng hơn.
- Thứ hai, chương trình học sẽ liền mạch, không xảy ra tình trạng trùng môn học như mô hình liên thông Cao đẳng lên Đại học. Ngoài ra, mô hình hợp tác đào tạo quốc tế này giúp sinh viên vận dụng kiến thức của môn học trước vào giải quyết vấn đề trong những năm tiếp theo. Điều này củng cố kiến thức nền tảng và liên tục nâng cao chuyên môn cho sinh viên.
- Thứ ba, sinh viên học mô hình Đại học nguyên bản sẽ có kỹ năng tự học lâu dài. Thói quen tự học và tìm kiếm thông tin là kết quả của 03 năm học liên tục, không bị ngắt quãng như mô hình đào tạo liên thông.
Một điểm cộng khác của mô hình này là khả năng học chuyển tiếp sang các chuyên ngành đặc thù hơn, cùng lĩnh vực. Ví dụ, sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh có thể học chuyển tiếp năm cuối sang ngành Quản trị nhân sự (theo chính sách của từng trường).
3.4. Hạn chế của mô hình đào tạo Đại học nguyên bản
Mặt hạn chế của mô hình học Đại học nguyên bản nằm ở chi phí học thường cao hơn so với mô hình học liên thông.
Nhằm khắc phục điểm yếu này, UWE Bristol – Phenikaa Campus đem đến rất nhiều trải nghiệm thực tập và học bổng đầu vào cho sinh viên:
- Cung cấp thêm 02 kỳ thực tập cho sinh viên. Các kỳ thực tập được thiết kế phù hợp với nội dung học.
- Giúp sinh viên trau dồi tiếng Anh, học thêm ngoại ngữ và kỹ năng mềm ngay trong năm nhất, chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn chuyên ngành.
- 06 loại học bổng đầu vào giá trị. Học bổng Chancellor’s Scholarship có trị giá lên tới 75% học phí toàn bộ 04 năm học tại Việt Nam.
- Cấp học bổng “Trải nghiệm Vương Quốc Anh” cho 1000 sinh viên đầu tiên vượt qua năm thứ nhất Đại học, trị giá 46.5 triệu VNĐ/suất.
4. Vì sao UWE Bristol – Phenikaa Campus đào tạo 04 năm?
UWE Bristol – Phenikaa Campus hiểu rằng học sinh Trung học còn nhiều bỡ ngỡ khi bước chân vào cánh cổng Đại học. Do vậy, chúng tôi mong muốn trang bị cho sinh viên tâm thế học tập và kỹ năng học cần thiết để tiếp thu kiến thức chuyên ngành một cách tốt nhất! Do vậy, việc đào tạo thêm 01 năm đầu trước khi dạy chuyên ngành là cần thiết đối với sinh viên.
UWE Bristol – Phenikaa Campus cá nhân hoá lộ trình học năm nhất theo từng đối tượng sinh viên. Cụ thể:
4.1. Lộ trình Foundation
Lộ trình Foundation dành cho sinh viên chưa đạt tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào. Các bạn sẽ được học chương trình tiếng Anh nguyên bản của Đại học UWE Bristol, VQA. Sinh viên sẽ được cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và học từ vựng chuyên ngành. Ngoài ra, các bạn cũng được trau dồi các kỹ năng mềm như:
- Tư duy phản biện (Critical Thinking)
- Tư duy giải quyết vấn đề thực tiễn (Problem Solving)
4.2. Lộ trình Global COOP
Lộ trình Global COOP dành cho sinh viên đã đạt tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào. Sinh viên sẽ được gia tăng trải nghiệm thực hành thông qua việc:
- Học thêm ngoại ngữ thứ 2 (tiếng Hàn Quốc), tạo lợi thế trở thành công dân toàn cầu.
- Thực tập ngay năm nhất để thay đổi tư duy học tập. Việc trải nghiệm thực hành ngay năm nhất giúp định hướng lộ trình học cho sinh viên tốt hơn.
- Ngoài hai kỹ năng mềm nêu trên, sinh viên được học thêm Tư duy thiết kế tổng thể (Design Thinking).
Ngoài ra, sinh viên của UWE Bristol – Phenikaa Campus có thể linh hoạt chuyển tiếp năm cuối. Dù học 04 năm tại Việt Nam hay học chuyển tiếp năm cuối tại VQA, sinh viên đều tốt nghiệp và nhận bằng Cử nhân của Đại học UWE Bristol, VQA.
5. Tổng kết
Như vậy, UWE Bristol – Phenikaa Campus xin được tổng kết một số điểm khác biệt giữa hai mô hình hợp tác đào tạo quốc tế trong bảng dưới đây:
Tiêu chí | Mô hình hợp tác đào tạo quốc tế liên thông Cao đẳng (BTEC) lên Đại học | Mô hình hợp tác đào tạo Đại học nguyên bản |
Lộ trình học | Học 02 năm Cao đẳng và liên thông 01 năm Đại học | Học chương trình nguyên bản 03 năm của Đại học đối tác |
Bằng tốt nghiệp | Bằng Cử nhân Đại học quốc tế | Bằng Cử nhân Đại học quốc tế |
Bảng điểm | Bao gồm bảng điểm 02 năm Cao đẳng BTEC và bảng điểm 01 năm Đại học | Bảng điểm của 03 năm Đại học |
Đối tượng giảng dạy | Người đã đi làm | Học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông |
Hướng tiếp cận kiến thức | Dạy nghề – vocational training | Dạy kỹ năng học và tư duy |
Cơ hội chuyển tiếp | Rộng mở cho sinh viên | Rộng mở cho sinh viên |
Giá trị bằng cấp | Được công nhận toàn cầu | Được công nhận toàn cầu |
Cơ hội việc làm | Rộng mở, cần giải thích với nhà tuyển dụng quá trình học liên thông | Rộng mở |